Khác biệt so với các tôn giáo khác Phật giáo

Tiểu ni cô tại Thái LanTỳ-kheo Thái Lan đi khất thực

1. Bình đẳng:

  1. Trong các tôn giáo độc thần luôn có một đấng tối thượng. Phật giáo thì chỉ coi một trình độ nhận thức được gọi là giác ngộ là tối thượng chứ không tồn tại một đấng tối thượng. Bậc Vô thượng bồ đề hay gọi đơn giản là Phật chính là một bậc mà mọi chúng sinh đều có thể đạt được nếu kiên trì tu tập, tĩnh tâm suy nghĩ, sử dụng trí tuệ của mình để cuối cùng đạt tới giác ngộ.
  2. Trong nhiều tôn giáo, tín đồ sùng bái các vị thần, các vị thần này có quyền lực siêu nhiên, con người không thể đạt tới được. Còn trong Phật giáo, danh hiệu Phật là để chỉ một người đã giác ngộ, đạt tới cảnh giới giải thoát, ra khỏi luân hồi, hoàn toàn trong sạch và hơn nữa phải là người có lòng từ bi thương yêu, cứu giúp tất cả chúng sinh không phân biệt dù hy sinh cả bản thân mình. Danh hiệu này chúng sinh có thể đạt tới, dù thời gian tu tập kéo dài rất lâu. Sự suy tôn trong đạo Phật là do tự cảm phục trước lòng từ bi, đức độ và công hạnh của người đã đạt đến bậc Vô thượng bồ đề, là sự tôn trọng dành cho một nhà hiền triết, là sự tự nguyện noi theo đức độ và giải thoát chứ không hề có sự ép buộc phải phục tùng, cầu lợi. Chính Phật cũng đã khẳng định: "Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành".
  3. Các tôn giáo khác thường có giáo hội và người đứng đầu, lãnh đạo toàn bộ tín đồ (ví dụ như Giáo hoàng của đạo Công giáo, Khalip của Đạo Hồi). Phật giáo có giáo hội nhưng không đặt ra người đứng đầu, các tín đồ đều bình đẳng. Trong Phật giáo, người có thời gian, cấp độ tu hành cao sẽ được các tín đồ khác trọng vọng, nhưng họ không có quyền chỉ đạo các tín đồ khác. Trước khi nhập diệt, Phật Thích Ca đã để lại di ngôn là tăng đoàn sẽ không có người đứng đầu (để tránh tăng đoàn bị sa vào tranh chấp quyền lực, tài sản), các bài kinh và lời dạy của Phật là điều có thể giúp các tín đồ dựa vào đó để sử dụng trí tuệ của mình tự soi sáng cho mình: "Này A-Nan, thầy cho rằng các Tỳ-kheo không có nơi nương tựa, không có ai che chở sau khi Ta nhập diệt ư? Đừng nghĩ như vậy, những Kinh, Luật mà Ta đã giảng dạy từ khi thành Phật đến nay sẽ là chỗ nương tựa che chở cho các thầy đó... Này các đồ đệ, các con hãy tự làm đuốc để soi sáng cho các con, hãy trông cậy vào chính sức mạnh của các con; hãy tinh tấn tu hành". Điều này cũng giống như Kant đã nói "Hãy có can đảm tự sử dụng trí tuệ của chính mình! đó là câu phương châm của Khai sáng[20]".

2. Quan niệm về thế giới:

  1. Trong khi đó, các tôn giáo độc thần cho rằng đấng tối cao của họ là vĩnh hằng, bất biến và sáng tạo ra vạn vật, cho rằng đấng tối cao đó không sinh ra từ đâu mà đã có khi vạn vật chưa tồn tại. Còn Phật giáo thì cho rằng mọi sự vật, hiện tượng (trừ cõi Niết Bàn) đều là vô thường, không thể tồn tại vĩnh hằng, có sinh thì phải có diệt. Duyên khởi thì sinh, duyên tận thì diệt. Ngay cả không gian, thời gian, các hành tinh và cả vũ trụ cũng vậy, cũng có khởi đầu, biến đổi và cuối cùng là kết thúc. Trong Kinh Khởi thế nhân bổn, Phật thuyết giảng rằng đã có vô số các thế giới giống như Trái Đất từng được hình thành, phát triển rồi bị hủy diệt trong quá khứ, và tương lai cũng sẽ có vô số các thế giới sinh ra rồi hủy diệt như vậy (ngày nay, khoa học hiện đại đã chứng minh được rằng Mặt trời sẽ tàn lụi sau khoảng 5 tỷ năm nữa, Trái Đất cũng theo đó mà bị hủy diệt)
  2. Nhiều tôn giáo cho rằng Trái Đất là trung tâm của vũ trụ. Đạo Phật thì cho rằng Trái Đất chỉ là một trong muôn vàn các thế giới cùng tồn tại, mỗi thế giới lại có những đặc điểm khác nhau, Trái Đất chỉ giống như một hạt cát trong vũ trụ. Phật giáo có khái niệm Tiểu thiên thế giới (1 ngàn hành tinh), Trung thiên thế giới (1 triệu hành tinh), đại thiên thế giới (1 tỷ hành tinh), Tam thiên đại thiên thế giới (3 nghìn tỷ hành tinh). Đức Phật nói vũ trụ này lại có vô số Tam thiên đại thiên thế giới, tức là số lượng các thế giới khác nhau gần như là vô hạn. Phật Thích Ca từng nói: "Trên vũ trụ này còn vô số những thế giới khác, trong một ly nước cũng có vô số những con trùng trong đó". Quan điểm này hiện nay đã được khoa học hiện đại chứng minh là đúng (theo thuật ngữ của khoa học hiện đại thì "Tam thiên đại thiên thế giới" chính là tương ứng với một thiên hà, còn những con trùng trong bát nước chính là vi khuẩn).

3. Quan niệm về loài người và thần linh:

  1. Các tôn giáo khác coi loài người là sinh vật tối thượng. Còn trong Phật giáo, loài người (nhân giới) cũng chỉ là một kiếp sống như các loài vật khác (súc sinh giới, a-tu-la giới, thiên giới), có kiếp sống còn cao cấp hơn loài người và các kiếp sống có sức mạnh khác nhau. Song dù là người, a-tu-la, trời hay súc sinh thì cũng đều là sinh vật, phải chịu quy luật Nhân quả (làm thiện gặp thiện, làm ác gặp ác), không sinh vật nào là vĩnh cửu mà đều phải có lúc chết, lúc chết thì sẽ luân hồi sang kiếp sống khác, kiếp sau như thế nào thì phải tùy vào việc làm nhiều thiện nghiệp hay ác nghiệp (ví dụ: một người mà nhiều điều thiện thì kiếp sau có thể lên thiên giới, nhưng kiếp sau mà làm điều ác thì kiếp sau nữa lại trở thành súc sinh).
  2. Trong phần lớn các tôn giáo khác, các vị thần thánh được coi là có quyền lực siêu nhiên, loài người không thể nào đạt tới cấp độ năng lực của họ. Đức Phật cũng nói về thần thánh, nhưng ông nói rằng các vị thần cũng chỉ là một dạng sinh vật trong các thế giới. Kiếp trước của các vị thần cũng chỉ là người hoặc loài vật, nhưng vì họ tạo ra nhiều thiện nghiệp nên kiếp này họ được phước báo, được đầu thai làm thần linh. Họ có quyền năng siêu phàm nhưng không phải là toàn năng (họ không thoát khỏi được luật Nhân - Quả, không thoát khỏi được sinh tử luân hồi), họ cũng không phải là bất tử (dù tuổi thọ của họ rất dài lâu, có khi lâu hơn cả một chu kỳ thế giới, nhưng rồi cũng phải đến lúc họ chết đi). Đức Phật giảng như sau: một người nếu hành thiện tích đức, tu luyện thiền căn đủ mức thì kiếp sau họ sẽ được luân hồi vào các cõi Trời, trở thành một vị thần, nhưng khi phước báo hết thì thọ mạng của vị thần đó cũng hết, họ sẽ chết và lại phải tiếp tục đầu thai vào kiếp sau (Phật nói rằng trong một số tiền kiếp, ông từng là Thiên chủ Đế Thích, vua cõi trời Đao Lợi, từng trị vì rất lâu nhưng rồi cũng phải chết đi). Đối chiếu theo quan điểm hiện đại, có thể coi các vị thần mà Đức Phật nói tới chính là những nền văn minh ngoài Trái Đất có trình độ cao hơn hẳn so với loài người.

4. Tôn thờ:

  1. Phật giáo không ép buộc hay khuyến khích thờ cúng bất kỳ ai. Nên phân biệt rõ sự ép buộc thờ cúng để hưởng thụ với sự thành tâm cúng dàng, hỷ xả của một tín đồ. Một vị Phật hay một vị tăng chân chính không coi trọng bản thân mình, sẵn sàng hy sinh vì chúng sinh khiến chúng sinh cảm động. Việc chúng sinh dâng cúng là vì họ muốn tạo công đức, gieo một nhân lành, gieo một duyên tốt để từ đó diệt trừ tham lam, đi vào tu tập, xả bỏ vướng bận và giải thoát.
  2. Sự cúng dàng và bái lạy, hầu cận Phật là một sự ngưỡng mộ, noi theo đối với đấng Thế tôn đã giải thoát và từ bi vô lượng. Khi một người đạt đến quả vị Vô thượng bồ đề thì cả vũ trụ đều rúng động và suy tôn vì đức độ vĩ đại của vị Phật đó chứ vị Phật đó không còn mong muốn ai suy tôn, thờ cúng cho mình. Quả vị đó là một sự thật chứ không phải tự phong. Phật đã đạt tới và Phật nhận tất cả tấm lòng của chúng sinh hướng về chính đạo để hướng dẫn cách giải thoát cho chúng sinh. Hơn hết tất cả, quả vị Vô thượng bồ đề là bậc mà mọi chúng sinh đều có thể tự tu tập và đạt được theo sự chỉ bảo của Phật.

Tóm lại, Phật giáo giống như con đường giải thoát dành cho tất cả chúng sinh, không phân biệt ai. Phật giáo nói lên một con đường khách quan để đi tới chân lý. Giáo lý của Phật giáo không phải do Phật sáng tạo ra mà là chân lý khách quan theo giác ngộ của Phật. Phật chỉ là người phát hiện, dấn thân và chứng đắc để rồi truyền dạy lại cho chúng sinh cách giải thoát với lòng từ bi vô lượng. Phật xem tất cả chúng sinh là bình đẳng và hoàn toàn có thể thành Phật.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Phật giáo http://media.johnwiley.com.au/product_data/excerpt... http://www.weiwuwei.8k.com/ http://www.berzinarchives.com/islam/history_afghan... http://www.britannica.com/EBchecked/topic/83184 http://www.daophatngaynay.com/vn/kinh-dien/van-hoc... http://www.daophatngaynay.com/vn/phat-phap/giao-ph... http://books.google.com/books?id=GEKd4iqH3C0C&dq=h... http://books.google.com/books?id=v0Rpvycf1t0C http://www.quangduc.com/lichsu/72bophai02.html http://www.saigon.com/~anson/ebud/mfneng/mind0.htm